• ...

    ...
  • ...

    ...

Saturday, February 22, 2020

Cách Làm Bánh Mì Thanh Long Ngon – Độc – Lạ, Tốt Cho Sức Khỏe

Thanh long đang vào mùa nên rất ngon nhưng ăn hoài cũng ngán, vậy tại sao bạn không thử cách làm bánh mì thanh long độc đáo dưới đây của Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu)? Công thức mới lạ này chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những ổ bánh thơm phức, ngon không kém gì được mua ngoài tiệm về.

Theo các nghiên cứu khoa học, cây thanh long thuộc họ xương rồng, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. Thanh long đặc biệt tốt cho người bị bệnh tiểu đường vì loại quả này có khả năng kiểm soát đường huyết hiệu quả. Trong lĩnh vực ẩm thực, thanh long là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn thơm ngon, trong đó có bánh mì. Công thức làm bánh mì thanh long chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng đã tạo nên một cơn “sốt” lớn trên thị trường. Nếu bạn cũng muốn thưởng thức món bánh này thì đừng bỏ qua hướng dẫn dưới đây nhé!

bánh mì thanh long

Bánh mì thanh long vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm bánh mì thanh long

  • 300 gram bột mì
  • 250 gram thanh long ruột đỏ
  • 20 gram sữa bột nguyên kem
  • 50 gram sữa đặc
  • 4 gram men nở
  • 10 gram bơ/dầu ăn
  • 10 gram đường

Cách làm bánh mì thanh long độc đáo, thơm ngon

Sơ chế thanh long

Bỏ vỏ thanh long, tách lấy phần thịt bên trong rồi cắt nhỏ ra.

Cho thanh long vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Lưu ý: Nếu bạn nhào bột bằng máy thì thanh long chỉ cần cắt nhỏ ra là được.

Làm hỗn hợp bột bánh

Cho thanh long cùng các nguyên liệu còn lại vào trong âu, nhồi đến khi hỗn hợp hòa quyện vào nhau thành một khối đồng nhất, dẻo mịn và không còn dính tay thì dừng lại.

Nếu nhồi bột bằng máy, bạn nhồi hỗn hợp khoảng 20 phút là được.

bột bánh mì

Hỗn hợp bột bánh mì thanh long (Ảnh: Internet)

Cách tạo hình bánh mì

Chia bột thành các phần có trọng lượng bằng nhau tùy theo ý định của bạn. Sau đó, vo tròn hoặc cán từng khối bột dài ra rồi cuộn lại, khéo léo vê hai đầu để có được bánh mì dài.

Ủ bánh

Xếp bánh mì ra khay, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và tiến hành ủ ở nơi kín gió trong khoảng 1 tiếng. Khi thấy bánh nở ra gấp đôi so với ban đầu thì có nghĩa bánh đã ủ xong.

Cách nướng bánh mì thanh long

Làm nóng lò nướng ở 230 độ C trước 10 phút. Tiếp theo, phun nước đều lên bề mặt bánh.

Dùng dao lam thật sắc, nghiêng góc 45 độ rồi rạch một đường sâu dứt khoát lên mặt bánh, sau đó phun nước lên vết rạch rồi lần lượt xếp bánh lên khay, cho vào lò.

Nướng bánh mì thanh long từ 3 – 5 phút, đợi mặt bánh khô thì mở lò, phun nước lên mặt bánh một lần nữa. Tiếp theo, cho bánh vào lò nướng lần hai ở 200 độ C.

Nướng khoảng 5 phút thì tiếp tục phun nước lên bánh lần ba rồi nướng thêm 10 phút nữa là hoàn thành công thức làm bánh mì thanh long.

nướng bánh mì

Công đoạn nướng bánh mì (Ảnh: Internet)

Yêu cầu thành phẩm

Bánh mì thanh long giòn xốp, màu hồng sậm bắt mắt, hấp dẫn. Bên ngoài vỏ bánh có nhiều hạt thanh long bao quanh, bánh có vị ngọt dễ chịu. Bạn có thể thưởng thức bánh theo nhiều cách khác nhau như chấm với sữa đặc hoặc ăn kèm với chả lụa, trứng… như bánh mì thông thường.

bánh mì đẹp mắt

Thành phẩm đẹp mắt, thơm ngon (Ảnh: Internet)

Lưu ý trong công thức làm bánh mì thanh long

Cách chọn thanh long ngon

  • Hình dáng: Thanh long càng tròn thì sẽ càng ngọt và mọng nước.
  • Vỏ thanh long: Dùng tay ấn hoặc bấm nhẹ vào vỏ thanh long, nếu thấy vỏ cứng thì chọn còn vỏ mềm thì bỏ qua.
  • Tai thanh long: Những trái thanh long có tai xanh, không bị khô héo là trái mới được thu hoạch và còn tươi.
  • Màu sắc: Nên chọn trái thanh long có màu đỏ sậm, da căng mọng. Nếu chưa có ý định ăn ngay sau khi mua, bạn có thể chọn những trái chưa chín hẳn và có màu hồng nhạt.

chọn thanh long ngon

Thanh long có tai xanh, da căng mọng là trái ngọt và mọng nước  (Ảnh: Internet)

Một số chú ý khi làm bánh mì thanh long

  • Thời gian nướng bánh cần được canh chuẩn xác vì nếu nướng quá lâu bánh mì sẽ chuyển sang màu nâu.
  • Bạn có thể điều chỉnh độ ngọt của thành phẩm tùy theo khẩu vị của mình. Nếu không thích ăn ngọt bạn không cần thêm đường vào công thức làm bánh mì thanh long vì thanh long đã có sẵn vị ngọt tự nhiên.
  • Không được bỏ qua công đoạn phun nước lên mặt bánh sau khi tạo hình. Mục đích của thao tác này là để giữ cho vỏ bánh khi nướng được mềm, không bị cứng còn phần bột bên trong nở đều.
  • Nếu muốn bánh nở nhanh, bạn có thể tăng lượng men nhưng không cho quá 2 gram men/100 gram bột vì bánh sẽ bị nồng mùi men.
  • Thời gian nướng có thể thay đổi tùy vào trọng lượng của bánh.

Với cách làm bánh mì thanh long ở trên, hi vọng bạn sẽ có thêm một món ngon để thưởng thức cùng người thân và bạn bè mình. Thanh long đang cần được “giải cứu” nên bạn hãy làm ngay món bánh mì độc – lạ này để vừa thử tài khéo léo vừa giúp người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhé. Chúc các bạn thành công!


Nguồn bài viết tại Cách Làm Bánh Mì Thanh Long Ngon – Độc – Lạ, Tốt Cho Sức Khỏe

Tuesday, February 11, 2020

Mách Bạn Cách Làm Khoai Tây Lắc Phô Mai Đơn Giản Mà Ngon Tại Nhà

Ngoài bánh gạo lắc, xoài lắc, cóc lắc,… hôm nay Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) sẽ giới thiệu với bạn cách làm khoai tây lắc phô mai siêu ngon. Hãy thử xem tài khéo léo của bạn có chinh phục được món ăn độc đáo này không nhé. Cùng xắn tay áo lên và vào bếp thôi!

Khoai tây là một loại thực phẩm tươi ngon, giàu vitamin, chất sơ, sắt và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Trong lĩnh vực ẩm thực, loại củ này là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn thơm ngon và hấp dẫn như: khoai tây nướng nhồi xúc xích, bánh khoai tây bọc trứng, khoai tây xào thập cẩm… Thời gian gần đây, khoai tây lại càng được nhiều người yêu thích hơn khi kết hợp với phô mai tạo nên một món ăn vặt lạ miệng, thơm ngon. Công thức làm khoai tây lắc phô mai cũng khá đơn giản, nếu muốn thưởng thức bạn có thể tự tay chế biến với hướng dẫn dưới đây.

khoai tây lắc phô mai

Khoai tây lắc phô mai là món ăn vặt được nhiều bạn trẻ yêu thích (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm khoai tây lắc

  • Khoai tây: 500 gram
  • Bột phô mai: 40 gram
  • Bột chiên giòn: 40 gram
  • Muối: 1 thìa nhỏ
  • Dầu ăn

Cách làm khoai tây lắc phô mai thơm ngon

Sơ chế khoai tây

Gọt vỏ khoai tây và rửa với nước cho thật sạch.

Pha một chút muối với nước rồi đổ khoai tây vào ngâm khoảng 15 phút. Công đoạn này sẽ giúp cho khoai tây không bị thâm đen.

Khoai ngâm xong thì vớt ra rổ, để ráo nước. Sau đó, thái khoai thành các miếng dài vừa ăn.

gọt vỏ khoai tây

Gọt vỏ khoai tây (Ảnh: Internet)

Cách chiên khoai tây

Bắc chảo lên bếp, đổ một lượng dầu ăn vừa đủ vào chảo, đun đến khi sôi già.

Cho khoai tây vào âu bột chiên giòn, xóc đều lên sao cho từng miếng khoai đều được phủ một lớp bột mỏng.

Tiếp theo, đổ khoai vào chảo chiên sơ. Khi thấy khoai tây vừa chín tới thì vớt ra đĩa đã có lót sẵn giấy thấm dầu.

Đợi một chút để khoai chiên bớt nóng rồi đặt khoai vào ngăn đá tủ lạnh cho se bề mặt.

chiên khoai tây

Chiên khoai tây đến khi chín vàng đều (Ảnh: Internet)

Cách lắc khoai tây với bột phô mai

Lấy khoai tây trong ngăn đá tủ lạnh ra, cho vào chảo dầu chiên trên lửa nhỏ để khoai chín vàng giòn đẹp mắt.

Vớt khoai tây ra khỏi chảo, để ráo dầu rồi lắc khoai với bột phô mai thật đều là hoàn thành công thức làm khoai tây lắc phô mai.

lắc khoai tây chiên

Lắc khoai tây chiên với phô mai thật đều (Ảnh: Internet)

Yêu cầu thành phẩm

Khoai tây lắc phô mai ngon sẽ có màu sắc bắt mắt, khoai tây vàng giòn, béo bùi được bao phủ bên ngoài một lớp phô mai mặn mặn thơm lừng. Khi thưởng thức bạn có thể chấm khoai tây cùng với một chút tương ớt để tăng thêm hương vị.

thành phẩm khoai tây lắc

Thành phẩm nhìn là muốn ăn ngay (Ảnh: Internet)

Những lưu ý trong công thức làm khoai tây lắc

Cách chọn bột phô mai ngon

Hiện nay bạn có thể mua phô mai ở chợ hoặc các siêu thị trên cả nước nhưng cần lưu ý một số điều sau:

  • Chỉ mua bột phô mai ở những nơi uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Nên chọn những thương hiệu được tin cậy, có chứng nhận rõ ràng về chất lượng sản phẩm.
  • Nếu trên bao bì của sản phẩm không có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, địa chỉ, số điện thoại liên hệ và số đăng ký kinh doanh thì tuyệt đối không được mua.
  • Đặc biệt lưu ý đến thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng của bột phô mai để tránh mua phải loại bột kém chất lượng và có những hóa chất không an toàn cho sức khỏe.

bột phô mai chất lượng

Bột phô mai chất lượng sẽ giúp món thơm ngon và hấp dẫn hơn (Ảnh: Internet)

Cách chọn khoai tây ngon

  • Những củ khoai tây ngon thường có vỏ màu vàng, trơn láng, khi dùng tay ấn vào sẽ thấy rất cứng và chắc. Hạn chế chọn những củ khoai tây có màu hơi ngả sang trắng, vỏ nhăn nheo và hơi mềm vì những củ loại này đã để lâu ngày, không còn dinh dưỡng. Nếu hai củ khoai có kích thước tương đương nhau thì củ nào nặng hơn thì ngon hơn.
  • Hạn chế mua khoai có phần vỏ bị trầy xước vì vi khuẩn và bụi bẩn có thể xâm nhập vào bên trong.
  • Khoai tây đã mọc mầm sẽ chứa độc tố nên tuyệt đối không được mua. Ngoài ra, những củ khoai bị sâu, mắc có màu đen, chảy nước hoặc bị thối phải bỏ đi, không được sử dụng.
  • Khoai tây đang dần chuyển sang màu xanh rất độc hại, không thể chế biến thành món ăn. Những củ khoai này có hàm lượng solanine cao tới mức gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

khoai tây ngon vỏ vàng

Khoai tây ngon sẽ có vỏ vàng, trơn láng (Ảnh: Internet)

Mẹo bảo quản khoai tây đúng cách

Trong trường hợp mua nhiều khoai tây nhưng không sử dụng hết thì bạn có thể áp dụng một số cách bảo quản khoai tây dưới đây:

  • Để khoai tây ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời để không bị chuyển sang màu xanh.
  • Nếu bảo quản khoai tây trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C thì khoai sẽ có được vị ngọt đậm đà.Tuy nhiên, màu của khoai sau khi nấu xong sẽ đậm hơn những củ để ở nhiệt độ phòng.
  • Khoai tây chỉ nên bảo quản khoảng 2 tuần sau khi mua về để đảm bảo độ ngon và hàm lượng dinh dưỡng.
  • Không nên cất hành tây và khoai tây chung với nhau vì cả 2 loại thực phẩm này sẽ rất nhanh bị hỏng.
  • Một mẹo bảo quản khoai tây tươi lâu khác là cho khoai vào hộp giấy cùng với táo tàu chưa chín và đặt ở nơi thoáng mát.
  • Để khoai tây không nảy mầm bạn chỉ cần cho một trái táo vào khoai.

ngăn khoai tây nảy mầm

Táo có thể ngăn cho khoai tây nảy mầm (Ảnh: Internet)

Một số lưu ý khác

  • Không chiên khoai trên lửa lớn mà chỉ nên để lửa nhỏ cho khoai chín từ từ và có màu vàng đẹp mắt.
  • Không bỏ qua công đoạn ngâm khoai tây trong nước muối.
  • Bạn có thể không dùng bột chiên giòn trong công thức làm khoai tây lắc phô mai nhưng nếu sử dùng thì thành phẩm sẽ giòn và ngon hơn.

chiên khoai trên lửa nhỏ

Chiên trên lửa nhỏ sẽ giúp khoai chín đều và không bị cháy (Ảnh: Internet)

Chỉ 3 bước đơn giản là bạn đã có được một món ăn vặt tuyệt vời để thưởng thức cùng người thân và bạn bè của mình. Còn chần chờ gì nữa mà bạn không vào bếp với cách làm khoai tây lắc phô mai của DLBAAu ngay? Chúc các bạn thành công và có được thành phẩm thơm ngon như ý nhé!


Nguồn bài viết tại Mách Bạn Cách Làm Khoai Tây Lắc Phô Mai Đơn Giản Mà Ngon Tại Nhà

Friday, February 7, 2020

Cách Làm Bánh Xèo 3 Miền Bắc – Trung – Nam Giòn Ngon Đơn Giản

Ngoài phở và bánh mì thì bánh xèo cũng nằm trong top những món ăn được yêu thích nhất trong nền ẩm thực Việt. Bạn có muốn chinh phục món bánh hấp dẫn này tại nhà không? Hôm nay Dạy Làm Bánh Á Âu sẽ chia sẻ với bạn cách làm bánh xèo 3 miền Bắc – Trung – Nam giòn ngon tại nhà. Bạn đã sẵn sàng để trổ tài khéo léo chưa?

Cái tên bánh xèo bắt nguồn từ âm thanh “xèo xèo” lúc đổ bánh quen thuộc. Không ai biết món ăn dân dã này có nguồn gốc từ đâu, chỉ biết tùy vào từng vùng miền mà sẽ có cách chế biến khác nhau một chút, ví dụ như: bánh xèo miền Trung sẽ nhỏ còn bánh xèo miền Nam lại được đổ rất lớn. “Linh hồn” của bánh xèo chính là phần nhân. Nhân bánh rất đa dạng, có thể là tôm, thịt, nấm, giá hoặc củ hủ dừa, mực… tùy vào sở thích của người thưởng thức. Người Việt thường ăn bánh xèo vào bất cứ bữa nào trong ngày, món bánh này cũng là lựa chọn của nhiều người trong các dịp tụ họp gia đình, bạn bè. Hãy cùng vào bếp với công thức làm bánh xèo 3 miền dưới đây để xem món bành này có gì đặc sắc mà khiến bao người phải nhớ thương khi xa quê nhé!

bánh xèo 3 miền

Bánh xèo Việt Nam làm nao lòng bao thực khách quốc tế

Cách làm bánh xèo miền Trung

Nguyên liệu làm bánh xèo miền Trung

  • 200 gram bột gạo
  • 200 gram thịt heo
  • 200 gram tôm
  • 100 gram giá đỗ
  • 30 gram nấm hương
  • 50ml nước cốt dừa
  • 1/2 muỗng bột nghệ
  • Rau ăn kèm: rau mùi, xà lách, rau cải…

Các bước làm món bánh xèo

Pha bột bánh xèo làm vỏ bánh

Đem gạo đi vo thật sạch, ngâm với nước qua đêm cho gạo nở ra. Sau đó, xay gạo thành bột rồi đổ vào một âu lớn, thêm bột nghệ, nước cốt dừa và một chút muối vào, khuấy đều.

Rửa hành lá, dùng dao xắt ra thật nhỏ, cho vào hỗn hợp bột, khuấy đều tay để bột tan hoàn toàn và không bị vón cục. Khi thấy hỗn hợp trở nên sền sệt, không quá lỏng cũng không quá đặc thì dừng lại.

cho hành vào bột bánh

Cho hành vào bột bánh xèo (Ảnh: Internet)

Làm nhân bánh xèo

Cắt râu tôm tươi, bỏ chỉ và rửa sạch. Nếu tôm lớn thì bóc vỏ, xẻ đôi theo chiều dọc rồi ướp với một chút gừng băm nhỏ và muối.

Chọn thịt heo loại nhiều nạc, làm sạch, thái lát mỏng nhỏ cho vào tô cùng với muối và bột nêm, trộn đều cho thịt thấm gia vị.

Nhặt các loại rau ăn kèm, bỏ lá vàng, rửa và ngâm với nước muối pha loãng rồi vớt ra rổ, để ráo nước. Nấm hương đem ngâm trong nước ấm cho nở mềm, dùng dao thái sợi. Giá đỗ cũng rửa sạch và để riêng.

Bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn vào cùng hành băm nhỏ, phi thơm. Sau đó, lần lượt cho thịt, tôm và nấm hương vào xào chín, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

phi thơm hành khô

Phi thơm hành khô để xào nhân bánh xèo

Chiên bánh

Đặt một chiếc chảo khác lên bếp, thoa dầu ăn vào chảo. Đợi dầu nóng rồi múc một muỗng bột đổ vào chảo, tráng đều.

Đậy nắp chảo khoảng 30 giây, múc nhân bánh xèo miền Trung rải đều khắp mặt bánh, thêm một chút giá rồi tiếp tục đậy nắp khoảng 30 giây.

Đợi bánh giòn theo ý thích rồi gấp đôi bánh lại, cho ra đĩa. Tiếp tục lặp lại thao tác đổ bánh xèo đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị là hoàn thành cách làm bánh xèo miền Trung.

bánh xèo miền Trung

Bánh xèo miền Trung đậm đà khó quên

Cách làm bánh xèo miền Bắc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 200 gram bột gạo khô
  • 10 gram bột nghệ
  • 200 gram thịt lợn
  • 200 gram tôm
  • 30 gram nấm hương
  • 100 gam giá đỗ
  • 1 củ hành tây
  • 100ml bia
  • Hành lá, hành tím, hành tây
  • Rau sống các loại để ăn kèm

Các bước làm bánh xèo miền Bắc

Sơ chế

Rửa sạch tôm và thịt lợn. Sau đó, thái mỏng thịt, ướp với hạt tiêu, nước mắm, bột ngọt. Tôm bỏ râu và chỉ lưng, ướp với muối và gừng giã nhỏ.

Nấm hương ngâm với nước ấm rồi thái sợi. Rửa hành lá, hành tây, hành tím cho sạch. Dùng dao thái nhỏ hành lá, hành tây thái múi cau, băm nhỏ hành tím.

Rửa giá đỗ và rau sống, ngâm nước muối trong khoảng 20 phút rồi vớt ra, để ráo nước.

băm nhỏ hành tím

Băm nhỏ hành tím

Làm nhân bánh xèo

Đổ một chút dầu vào chảo, bắc lên bếp ở lửa vừa. Đợi dầu nóng già rồi trút hành tím băm nhỏ vào phi vàng thơm.

Tiếp theo, cho tôm, thịt, nấm hương vào đảo đều. Khi thấy nhân gần chín thì thêm hành tây vào xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa miệng

Làm hỗn hợp bột vỏ bánh

Đổ bột gạo ra âu lớn, cho vào âu bột 250ml nước lọc, 10 gram bột nghệ, 100ml bia, một chút muối vào khuấy đều để các nguyên liệu hòa tan vào nhau.

Thêm hành lá đã thái nhỏ vào bột, khuấy lên lần nữa là xong phần bột bánh xèo miền Bắc.

Đổ bánh xèo miền bắc

Cho một ít dầu vào chảo, khi dầu nóng già thì đổ một muỗng canh bột vào tráng đều. Sau đó, múc nhân bánh rải đều lên trên với giá rồi đậy nắp lại.

Đợi khoảng 2 phút cho bánh chín giòn, khéo léo gấp đôi bánh lại, lấy ra khỏi chảo. Tiếp tục đổ bánh đến khi hết nguyên liệu.

bánh xèo miền Bắc

Bánh xèo miền Bắc thơm ngon (Ảnh: Internet)

Cách làm bánh xèo miền Tây

Nguyên liệu món bánh xèo miền Tây

  • 400 gram bột bánh xèo
  • 300 gram tôm sú
  • 300 gram thịt ba rọi
  • 400 gram nấm rơm
  • 250 gram dừa nạo
  • 300 gram giá
  • 10 tép hành lá
  • 2 củ hành tây
  • Gia vị: đường, muối, bột ngọt, dầu ăn..

Cách đổ bánh xèo miền Tây

Chuẩn bị bột làm bánh

Pha bột với nước như trong hướng dẫn rồi lấy một nửa nước bột này cho vào dừa nạo, vắt nước cốt. Sau đó, đổ hết phần nước bột còn lại vào dừa để vắt nước dảo.

Xắt nhỏ hành lá, hòa nước cốt và nước dảo vừa vắt làm một rồi thêm hành lá, muối, đường, bột ngọt, khuấy đều hỗn hợp.

Sơ chế nhân bánh xèo

Bỏ vỏ và đầu tôm, lấy chỉ lưng, rửa với nước cho thật sạch. Thịt ba rọi cũng rửa sạch, trụng qua nước sôi và cắt thành lát mỏng.

Lột vỏ hành tây, thái mỏng. Tiếp theo, pha nước muối loãng, cắt gốc nấm rồi cho vào ngâm nước muối 5 phút, rửa lại cho sạch, cắt những búp nấm lớn nhỏ ra.

Giá sau khi mua về cũng rửa sạch.

lấy chỉ lưng tôm

Lấy chỉ lưng tôm

Xào nhân bánh

Xào tôm, thịt, hành tây, nấm và giá với một chút dầu ăn, đảo đều. Đợi nhân chín thì nhắc xuống bếp, để riêng.

Tráng bánh

Bắc chảo lớn lên bếp, thoa dầu đều khắp mặt chảo. Khi dầu đã nóng thì múc bột đổ vào, xoay chảo cho bột tráng thành lớp mỏng.

Đậy nắp khoảng 40 giây rồi rải nhân vào giữa bánh, tiếp tục đậy nắp lại thêm khoảng 3 – 4 phút để bánh vàng giòn.

Gấp bánh lại, nghiêng chảo cho phần rìa được giòn, để thêm 1 phút cho bánh chín đều, lấy bánh ra đĩa.

bánh xèo miền Tây

Bánh xèo miền Tây giòn rụm, hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Cách làm nước mắm ăn bánh xèo

Nguyên liệu chế biến nước mắm chua ngọt

  • Tỏi: 1 củ
  • Ớt: 2 trái
  • Đường: 3 muỗng canh
  • Chanh: 1 quả
  • Nước mắm nhỉ: 4 muỗng
  • Nước ấm: 1 chén

Cách pha nước chấm bánh xèo

Sơ chế nguyên liệu

Rửa ớt, tỏi cho thật sạch, bóc vỏ tỏi, băm nhuyễn. Sau đó, loại bỏ phần hạt của ớt rồi cũng băm nhuyễn, để riêng ra.

Cắt đôi chanh, vắt lấy khoảng 1 thìa nước cốt, bỏ hạt để khi ăn không bị đắng.

Bí quyết làm nước mắm ngon

Lần lượt cho 1 chén nước ấm, 1/2 chén nước mắm và 3 muỗng canh đường vào tô, khuấy đều cho đường tan hoàn toàn.

Thêm tỏi ớt đã băm nhuyễn, nước cốt chanh vào nước mắm, khuấy đều và nêm nêm một lần nữa cho hợp với khẩu vị của bạn là xong phần nước chấm bánh xèo.

nước chấm bánh xèo

Nước chấm bánh xèo (Ảnh: Internet)

Lưu ý khi làm nước chấm

  • Nên chọn những loại nước mắm ngon để làm nước chấm.
  • Bạn có thể thay thế đường cát trắng bằng đường nâu để nước chấm có màu đẹp mắt hơn.
  • Ớt băm sẽ giúp nước chấm cay và hấp dẫn hơn ớt xay.

Cách làm đồ chua ăn bánh xèo

Nguyên liệu làm đồ chua

  • Đu đủ
  • Cà rốt
  • Gia vị: đường, muối, dấm

Các bước làm đồ chua ngon ăn bánh xèo

Sơ chế nguyên liệu

Gọt vỏ cà rốt, rửa sạch và bào sợi nhỏ, tỉa hoa hoặc xắt mỏng tùy vào sở thích, đu đủ cũng bào sợi. Sau đó, cho một chút muối và dấm vào, xóc lên 15 phút rồi vắt bớt nước.

Làm đồ chua

Pha nước ấm với đường và dấm theo tỉ lệ: 1 dấm : 1/2 đường : 1/2 nước ấm, khuấy đều. Tiếp theo, cho cà rốt và đu đủ bào sợi vào để yên khoảng 45 phút đến 1 giờ là có thể ăn được.

Cách bảo quản đồ chua

Nếu dùng không hết bạn có thể cho đồ chua vào hủ thủy tinh, đậy kín nắp và đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp đồ chua giữ được khoảng hơn 1 tháng.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh xèo là món ăn dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn với lớp vỏ giòn rụm cùng phần nhân đậm đà, quyến rũ bên trong. Dù là bánh xèo ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì đều có hương vị mộc mạc, thơm lừng. Sự hòa quyện hoàn hảo giữa vỏ và nhân bánh kết hợp với một chút cay cay của nước chấm tỏi ớt và vị chua nhẹ của đồ chua khiến bất cứ ai cũng bị món bánh này chinh phục ngay trong lần nếm thử đầu tiên.

Bí quyết để làm bánh xèo giòn lâu

  • Dùng chảo sâu lòng để đổ bánh xèo là ngon nhất, loại chảo này sẽ giúp bánh giòn hơn.
  • Tráng dầu đều xung quanh bề mặt chảo và đảm bảo đậy kín nắp trong quá trình đổ bánh.
  • Phần bột bánh xèo chiên được 30 giây thì mới cho nhân vào, đậy nắp lại tầm 2 phút và đợi bánh giòn rụm rồi mới lấy ra.
  • Nên trở bánh để thành phẩm vàng 2 mặt và giòn đều.

Đổ bánh xèo thế nào để không bị dính chảo?

  • Đảm bảo chảo đổ bánh xèo sạch sẽ, không có vết xước.
  • Đợi dầu nóng già rồi mới đổ bột vào chiên bánh. Bạn có thể đợi chảo nóng rồi phết dầu lên hoặc cho dầu vào chảo để đun nóng từ từ. Chỉ cần chảo đủ nóng thì khả năng bánh xèo bị dính sẽ rất thấp.
  • Đợi bánh xèo chín hẳn và giòn mới gấp lại, lúc này bánh đã tách ra khỏi chảo và không còn bị dính nữa. Bạn nên dùng đũa lật thử phần rìa bánh để kiểm tra xem bánh xèo đã chín chưa.
  • Xát một chút gừng vào chảo trước khi cho dầu để gừng và dầu tạo thành một lớp màng trơn chống dính cho chảo.
  • Rượu nho hoặc giấm cũng có thể giúp chống dính cho chảo đổ bánh xèo. Bạn chỉ cần phết một trong 2 nguyên liệu này phủ hết mặt chảo trước khi cho dầu vào là được.
  • Nếu bánh bị dính chảo bạn cần tắt bếp và nghiêng chảo sang nơi không bị dính và chờ cho chảo nguội là bánh xèo sẽ bung ra.

bánh xèo không bị dính

Chảo sạch sẽ và không có vết xước sẽ giúp bánh xèo không bị dính (Ảnh: Internet)

Lựa chọn bột bánh xèo

Ngoài cách làm bột bánh xèo từ gạo, nếu không có nhiều thời gian bạn có thể mua bột bánh xèo ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa… Loại bột này rất tiện lợi, được nhiều người ưa chuộng vì bánh ngon và đổ cũng rất dễ, không bị dính chảo. Bạn có thể tham khảo thêm tại: …

Cách ăn bánh xèo sao cho đúng

Bánh xèo ngon đúng điệu phải được ăn kèm với các loại rau rừng, rau thơm cuốn trong bánh tráng rồi chấm với nước chấm cay cay, thêm đồ chua, tạo nên hương vị bùng nổ, khó quên. Bạn có thể dùng rau cải cuốn bánh cũng được hoặc dùng bánh không tùy vào sở thích nhưng nếu muốn ăn bánh xèo đúng cách thì nhất định phải có các loại rau ăn kèm như: xà lách, tía tô, diếp cá, cải xanh, húng quế…

Khám phá món bánh xèo ở ba miền mới thấy nền văn hóa ẩm thực ở nước ta rất độc đáo và thú vị phải không? Cũng là bánh xèo nhưng mỗi miền lại có một đặc trưng riêng nhưng chung quy lại thì ở đâu bánh xèo cũng ngon, cũng là một món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Cách làm bánh xèo đơn giản nhất của ba miền đã có rồi, bạn hãy lưu lại để trổ tài khi có dịp nhé. Chúc các bạn thành công!


Nguồn bài viết tại Cách Làm Bánh Xèo 3 Miền Bắc – Trung – Nam Giòn Ngon Đơn Giản