• ...

    ...
  • ...

    ...

Thursday, December 26, 2019

Cách Làm Bánh Khoai Mì Hấp Nước Cốt Dừa Đậm Vị Quê Hương Dân Dã

Bánh khoai mì hấp là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích và thường trổ tài làm tại nhà khi có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm bánh khoai mì hấp nước cốt dừa ngon đúng chuẩn. Sau đây, Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) sẽ giúp bạn làm ra những chiếc bánh thơm ngon đúng chuẩn chỉ sau 3 bước, bạn đã sẵn sàng chưa?  

Đối với nhiều người, các món ăn mang đậm vị quê như bánh khoai mì là một trong những thức quà tuyệt vời nhất vào lúc đói bụng. Chiếc bánh nhỏ xinh được hấp chín thơm phức, chan nước cốt dừa lên trên, rắc thêm một chút mè đen và cơm dừa rang, chỉ đơn giản vậy thôi mà khiến bao người không thể quên. Ngày nay, công thức làm bánh khoai mì hấp nước cốt dừa vẫn được nhiều người tìm kiếm, vì vậy DLBAAu quyết định chia sẻ với các bạn hướng dẫn chi tiết làm món bánh này để bạn trổ tài nữ công gia chánh.

bánh khoai mì hấp độc đáo

Bánh khoai mì hấp dân dã, độc đáo (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm bánh khoai mì hấp

  • Khoai mì: 1 kg
  • Đường cát: 200 gram
  • Dừa nạo: 300 gram
  • Mè rang: 30 gram
  • Dừa bào sợi sấy khô: 50 gram
  • Bột năng: 1 thìa soup
  • Bột gạo: 1/2 thìa soup
  • Lá dứa: 10 lá
  • Củ dền đỏ: 1 củ

Cách làm bánh khoai mì hấp nước cốt dừa đơn giản tại nhà

Sơ chế khoai mì

Hòa tan 1 thìa café muối với nước, sau đó lột vỏ khoai mì, rửa sạch rồi đổ vào nước muối ngâm khoảng 4 giờ cho ra bớt nhựa mủ. Sau đó vớt khoai mì ra, để ráo nước.

Mài nhuyễn khoai mì, cho vào túi vải vắt khô và hứng lấy phần nước bột. Để yên 10 phút cho bột lắng xuống, đổ nước đi và thu lại phần tinh bột.

Rửa sạch lá dứa, cắt nhỏ 8 lá, cho vào máy xay sinh tố cùng với một ít nước, xay nhuyễn, lọc lấy 20 gram nước cốt lá dứa.

Củ dền cũng rửa cho thật sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn với nước, lọc lấy khoảng 20 gram nước cốt có màu đỏ đẹp mắt.

nghiền nhuyễn khoai mì

Nghiền nhuyễn khoai mì (Ảnh: Internet)

Cách làm hỗn hợp bột bánh

Lần lượt cho tinh bộ khoai mì vào âu với bột năng và 150 gram đường, tiến hành nhào cho khoai quyện đều với các nguyên liệu còn lại.

Chia hỗn hợp bột thành 3 phần bằng nhau, lần lượt pha màu cho từng phần bột với nước cốt lá dứa, nước cốt củ dền và 20 gram nước để được 3 khối bột màu xanh, đỏ và trắng.

Tiếp tục chia bột thành nhiều phần nhỏ, viên thành các viên tròn đặt vào xửng hấp. Sau đó, chuẩn bị nồi hấp, nấu sôi nước rồi cho bánh vào hấp khoảng 20 phút. Khi thấy bánh trở nên trong thì có nghĩa bánh đã chín, lấy bánh ra và để nguội.

nhào bột năng và đường

Cho bột năng và đường vào nhào cùng tinh bột khoai mì (Ảnh: Internet)

Cách làm nước cốt dừa

Cho dừa nạo vào âu cùng một chén nước ấm, dùng tay nhồi kỹ rồi vắt lấy phần nước cốt. Tiếp theo, bắc nồi lên bếp, đổ 1/2 chén nước và 50 gram đường vào, nấu sôi.

Thêm nước cốt dừa, 2 lá dứa cắt khúc và bột gạo vào nồi, nấu sôi lên lại rồi tắt bếp. Lúc này nước cốt dừa sẽ sánh nhẹ, không bị quá đặc.

Rang sơ dừa bào sợi đến khi khô vừa, để nguội.

vắt nước cốt dừa

Công đoạn vắt nước cốt dừa (Ảnh: Internet)

Thưởng thức

Cho bánh khoai mì ra đĩa, thêm nước cốt dừa, mè rang, dừa bào sợi lên trên và thưởng thức ngay. Bạn có thể dùng bánh cùng với một loại thức uống mình yêu thích để tăng thêm hương vị.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh khoai mì ngon đạt chuẩn sẽ trong, thơm mùi lá dứa. Vị béo của nước cốt dừa và mè rang hòa quyện cùng sự dẻo mềm của bánh khoai cực kỳ hấp dẫn và kích thích vị giác.

khoai mì hấp ngon miệng

Thành phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn rất ngon miệng (Ảnh: Internet)

Lưu ý trong công thức làm bánh bánh khoai mì hấp nước cốt dừa

Cách chọn khoai mì ngon

Nên chọn khoai mì đồi vì loại này thường ngon và bở hơn. Những củ tươi, thẳng, mập mạp và có vỏ mỡ màng sẽ mềm ngọt và ít sơ. Bạn có thể dùng tay cạo thử lớp vỏ bên ngoài, nếu thấy màu hồng nhạt thì là khoai mì ngon còn nếu thấy màu trắng thì không nên mua vì những củ này có nhiều độc tố.

Không nên để khoai mì quá lâu vì sẽ làm giảm độ ngon của loại củ này.

Một số chú ý khác

  • Bạn có thể dùng nước cốt dừa đóng lon thay thế cho vừa nạo. Nếu dùng loại nước cốt này bạn chỉ cần đổ 1 lon vào nồi cùng với nước, bột gạo, đường và lá dứa nấu sôi trên lửa nhỏ là được.
  • Tuyệt đối không được bỏ qua công đoạn ngâm khoai mì trong nước muối vì bước này sẽ làm giảm bớt độc tố ở khoai.
  • Hấp bánh chín tới là lấy ra ngay, không nên hấp quá lâu và phải đảm bảo hơi nước đủ để bánh chín hoàn toàn.

Cách làm bánh khoai mì hấp nước cốt dừa không hề khó một chút nào phải không? Món bánh này tuy dân dã nhưng hương vị lại rất quyến rũ và thơm ngon. Những bạn không khéo tay cũng có thể dễ dáng chinh phục món bánh đơn giản này tại nhà. Chúc các bạn thành công!


Nguồn bài viết tại Cách Làm Bánh Khoai Mì Hấp Nước Cốt Dừa Đậm Vị Quê Hương Dân Dã

Tuesday, December 17, 2019

Cách Làm Rau Câu Dừa Nhiều Lớp Cực Ngon Cho Cả Nhà Tráng Miệng

Rau câu dừa là món ăn tuyệt vời nhất vào những hôm trời nóng bức, oi ả. Cách làm rau câu dừa cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần mất một chút thời gian vào bếp là sẽ có được những mẻ thành phẩm ngon lành để thưởng thức cùng người thương. Hãy cùng trổ tài nữ công gia chánh với hướng dẫn làm rau câu dưới đây của Dạy Làm Bánh Á Âu  (DLBAAu) nhé!

Không chỉ có trẻ em mà nhiều người lớn cũng rất thích rau câu. Rau câu có thể dùng làm món tráng miệng thường ngày hoặc món ăn “chơi” cực hấp dẫn. Nhiều bạn còn có sở thích làm món ăn này tại nhà để thỏa sức tạo ra nhiều hương vị độc đáo và hấp dẫn khác nhau. Sau đây DLBAAu sẽ giới thiệu với bạn cách làm rau câu dừa tươi nhiều lớp và cách làm rau câu nước cốt dừa café siêu ngon tại nhà.

rau câu dừa tráng miệng

Rau câu là món ăn vặt được rất nhiều người yêu thích (Ảnh: Internet)

Cách làm rau câu dừa tươi nhiều lớp

Nguyên liệu chuẩn bị

  • Nước dừa tươi: 4 trái
  • Bột rau câu dẻo: 10 gram
  • Đường: 200 gram
  • Sữa tươi: 100ml
  • Nước cốt dừa lon: 3 thìa canh

Hướng dẫn cách làm rau câu dừa nhiều lớp

Cách nấu rau câu

Lót một chiếc khăn vào rây rồi đổ nước dừa qua rây để loại bỏ hoàn toàn cặn và tạp chất còn lẫn trong nước dừa.

Trộn đều đường với bột rau câu. Sau đó, bắc nồi lên bếp, đổ nước dừa vào đun. Khi thấy nước sôi thì hạ lửa nhỏ xuống, đổ hỗn hợp bột rau câu với đường vào nồi. Lưu ý: Vừa đổ vừa khuấy để bột không bị vón cục.

khuấy bột rau câu

Khuấy đường và bột rau câu đến khi tan hoàn toàn

Tiếp tục khuấy hỗn hợp rau câu từ 8 – 10 phút cho đường và bột tan hoàn toàn. Tiến hành đổ 2/5 lượng hỗn hợp sang một chiếc nồi khác, cũng đun trên lửa nhỏ để hỗn hợp ở 2 nồi đều sôi lăn tăn và không bị đông lại. 

Thêm sữa tươi và nước cốt dừa vào nồi chứa 2/5 hỗn hợp rau câu, khuấy đều tay là được hai hỗn hợp rau câu dừa: 1 loại có màu trong còn 1 loại có màu đục.

Cách đổ rau câu

Lấy khuôn đổ rau câu ra, dùng muôi múc rau câu trong đổ vào khuôn rồi đặt vào tủ lạnh 20 phút cho đông lại.

đổ rau câu vào khuôn

Đổ rau câu vào khuôn (Ảnh: Internet)

Khi lớp rau câu đầu tiên đã đông, lấy khuôn ra và đổ tiếp lớp thứ hai là rau câu đục lên trên, cho khuôn vào tủ lạnh để rau câu đông. Tiếp tục lặp lại thao tác trên đến khi thành phẩm tạo thành các lớp như bạn mong muốn.

Yêu cầu thành phẩm

Rau câu dừa nhiều lớp không chỉ đẹp mắt mà còn cực kỳ hấp dẫn với từng lớp mát lạnh, sần sật rất tuyệt vời. Thành phẩm từ công thức này vừa có vị ngọt thanh vừa béo béo và thơm mùi dừa rất kích thích vị giác.

rau câu dừa nhiều lớp

Rau câu dừa nhiều lớp độc đáo (Ảnh: Internet)

Cách làm rau câu nước cốt dừa café

Nguyên liệu chuẩn bị

Phần rau câu café

  • Café nước: 200ml
  • Nước cốt dừa: 300ml
  • Bột thạch rau câu: 10 gram
  • Đường : 500 gram
  • Nước lọc: 1.5 lit

Phần rau câu cốt dừa

  • Nước cốt dừa: 5 thìa canh
  • Bột rau câu: 5 gram
  • Nước: 400ml
  • Sữa tươi: 100ml
  • Đường: 150 gram

Hướng dẫn cách làm rau câu nước cốt dừa café

Cách làm rau câu café

Bắc nồi lên bếp, đổ 1 lít nước vào đun sôi. Tiếp theo, trộn rau câu với đường và nước café. Đợi nước sôi rồi vừa đổ hỗn hợp rau câu vào nồi vừa khuấy đều tay để hỗn hợp không bị vón cục.

Đun từ 6 – 8 phút cho bột và đường tan hoàn toàn rồi tắt bếp, đổ rau câu vào khuôn đã chuẩn bị sẵn, cho vào tủ lạnh.

đun sôi nước trong nồi

Đun sôi nước trong nồi

Cách làm rau câu cốt dừa

Đun sôi 400ml nước, trộn bột rau câu với đường trong bát con. Sau đó, đợi nước sôi rồi vừa đổ hỗn hợp vào nồi vừa khuấy đều tay cho bột rau câu và đường hòa tan, không bị vón cục.

Nấu và khuấy rau câu café khoảng 5 phút rồi đổ nước cốt dừa và sữa tươi vào nồi, khuấy đều thêm 30 giây nữa cho hỗn hợp gần sôi rồi tắt bếp.

đổ sữa tươi vào hỗn hợp

Đổ sữa tươi vào hỗn hợp rau câu

Hoàn thiện thành phẩm

Lấy khuôn rau câu café trong tủ lạnh ra, nếu thấy rau đã hơi đông lại thì đổ một lớp rau câu cốt dừa lên trên. Tiếp tục cho khuôn vào tủ lạnh, sau đó lần lượt đổ thêm các lớp rau câu khác đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.

Khi đổ rau câu xong, cho khuôn vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 giờ là có thế lấy ra thưởng thức.

Yêu cầu thành phẩm

Rau câu nước cốt dừa café mát lạnh, vị café kết hợp với vị béo béo của dừa rất ngon và dễ ăn. Nếu thích bạn có thể cho thạch rau câu vào trà sữa hoặc các loại thức uống khác để thưởng thức.

rau câu cốt dừa café

Rau câu nước cốt dừa café sần sật, ngon miệng (Ảnh: Internet)

Những lưu ý trong cách làm rau câu dừa

  • Để biết rau câu đã đông hay chưa, bạn hãy dùng một que tăm xăm xuống rau câu, nếu nhấc tăm lên sờ không thấy bị ướt thì có nghĩa là rau câu đã đông.
  • Không nên đợi rau câu đông cứng rồi mới đổ lớp tiếp theo vì như vậy các lớp sẽ rất khó kết dính với nhau. Bạn chỉ cần đợi cho rau câu hơi đông lại là có thể đổ tiếp lớp khác lên.
  • Công đoạn nấu rau câu cực kỳ quan trọng, bạn phải khuấy liên tục và điều chỉnh lửa thích hợp để đảm bảo hỗn hợp không bị đông.

Nhiều người đã thử và thành công với hai cách làm rau câu dừa vừa dễ vừa ngon ở trên, còn bạn thì sao? Tranh thủ những lúc rảnh rỗi bạn hãy vào bếp để chinh phục món ăn vạn người mê này nhé. Vào những dịp đặc biệt bạn có thể trổ tài làm các loại bánh rau câu để dành tặng cho người mình yêu thương, sẽ rất ý nghĩa đấy. Chúc các bạn thành công!


Nguồn bài viết tại Cách Làm Rau Câu Dừa Nhiều Lớp Cực Ngon Cho Cả Nhà Tráng Miệng

Friday, December 13, 2019

Cách làm bánh kim chi Hàn Quốc ngon đáo để, đổi khẩu vị cho cả nhà

Thay đổi khẩu vị cho cả nhà với cách làm bánh kim chi Hàn Quốc, bạn đã sẵn sàng chưa? Món bánh ngon – độc – lạ này sẽ là lựa chọn tuyệt vời để bạn thưởng thức vào những hôm trời mưa hoặc khi có dịp tụ họp gia đình và bạn bè. Vị chua chua của kim chi kết hợp với bột bánh giòn rụm, thơm phức chắc chắn sẽ chinh phục vị giác của bạn ngay từ lần nếm thử đầu tiên.

Hàn Quốc là một quốc gia xinh đẹp và có một nền ẩm thực hết sức đa dạng, độc đáo. Nhắc đến đất nước này bất cứ ai cũng sẽ nghĩ ngay đến kim chi – món ăn quốc dân khiến bao người phải trầm trồ và ngợi ca khi nghĩ đến. Kim chi có thể dùng để ăn với cơm nóng, nấu canh, cơm rang… đều rất ngon. Ngoài ra, kim chi còn là nguyên liệu để làm ra một món bánh cực kỳ hấp dẫn, đó chính là bánh kim chi rán. Hãy cùng thử công thức làm bánh kim chi dưới đây để xem món bánh đặc biệt này có làm khó tài khéo léo của bạn không nhé!

bánh kim chi lạ miệng

Bánh kim chi lạ miệng, hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm bánh kim chi Hàn Quốc

  • 250 gram kim chi cải thảo
  • 150 gram bột mì
  • 1 quả trứng
  • 3 nhánh hành lá
  • Gia vị: đường, bột ngọt, xốt mayonnaise, tương ơt, tương cà, dầu ăn, nước kim chi.

Cách làm bánh kim chi lăn bột hấp dẫn

Sơ chế nguyên liệu

Cắt kim chi cải thảo thành những miếng nhỏ vừa ăn. Hành lá thì bỏ rễ, rửa sạch rồi thái nhỏ ra.

Rây bột mì qua một lần để bột mịn hơn, riêng trứng gà thì đập ra bát, đánh tan.

thái nhỏ hành

Thái nhỏ hành

Cách làm hỗn hợp bột

Đổ bột mì vào âu, tạo thành một lỗ ở chính giữa, từ từ rưới trứng gà vào bột, trộn đều để bột mì và trứng hòa quyện vào nhau.

Tiếp theo, vừa rưới nước kim chi vào hỗ hợp bột vừa trộn lên đến khi thấy hỗn hợp sệt và sánh thì dừng lại.

Cho kim chi, hành lá và nêm nếm một chút đường, bột ngọt vào hỗn hợp bột, khuấy đều là hoàn thành phần bột bánh trong công thức làm bánh kim chi lăn bột.

đổ bột mì vào trong âu

Đổ bột mì vào trong âu

Cách chiên bánh kim chi ngon

Đặt chảo lên bếp, đổ một lượng dầu ăn vừa đủ vào. Đun dầu tới khi sôi già rồi múc bột đổ vào chảo, dàn đều thành một lớp vừa ăn, không quá mỏng cũng không quá dày.

Chiên bánh vàng đều 2 mặt thì vớt ra đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu. Tiếp tục thực hiện công đoạn chiên bánh kim chi đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.

chiên bánh kim chi

Chiên bánh kim chi vàng đều cả 2 mặt (Ảnh: Internet)

Thưởng thức

Bánh kim chi lăn bột ngon nhất là được thưởng thức khi còn nóng. Bạn có thể chấm bánh với tương ớt, xốt mayonnaise hoặc tương cà tùy vào khẩu vị của mình để món ăn thêm phần thơm ngon và hấp dẫn.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh kim chi sau khi làm xong có hương vị rất hấp dẫn, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị chua chua, cay cay đặc trưng của kim chi với lớp bột vừa giòn vừa thơm mùi trứng cực kỳ cuốn hút. Thành phẩm được chiên chín vàng đều, bắt mắt.

bánh kim chi ăn xế

Bánh kim chi rất thích hợp để làm bữa xế (Ảnh: Internet)

Một số lưu ý trong công thức làm bánh kim chi Hàn Quốc

  • Ngoài kim chi cải thảo bạn có thể dùng kim chi củ cải để làm món bánh này cũng rất ngon.
  • Khi trộn nước kim chi với bột bạn cần phải thật nhẹ tay để bột hòa quyện từ từ, như vậy bánh sẽ giòn và ngon hơn.
  • Chiên bánh trên lửa vừa, tránh để lửa quá lớn làm bánh bị cháy.
  • Nếu không sử dụng hết kim chi đã chuẩn bị bạn cần cho phần dư vào lọ thủy tinh hoặc gốm tráng men để bảo quản, tuyệt đối không được sử dụng lọ bằng nhựa hoặc kim loại. Ngoài ra bạn cần chý ý không cho kim chi tiếp xúc với không khí và luôn giữ mọi thứ chìm dưới nước để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc. Không được cho thêm bất kỳ chất bảo quản nào hoặc muối I – ôt vào ngâm kim chi.

Bánh kim chi là một trong những món ăn vặt nổi tiếng nhất là Hàn Quốc, không chỉ xuất hiện trên phim ảnh và còn được quảng bá rộng rãi qua các chương trình du lịch và ẩm thực. Ngày nay, món bánh này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và được nhiều thực khách yêu thích. Nếu bạn có thời gian rảnh thì hãy thử cách làm bánh kim Hàn Quốc ở trên để xem món bánh này có làm khó tài khéo léo của bạn không nhé. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm: Cách làm bánh kem bơ Hàn Quốc, Cách làm bánh gạo lắc phô mai Hàn Quốc, cách làm bánh Trung thu Hàn Quốc.


Nguồn bài viết tại Cách làm bánh kim chi Hàn Quốc ngon đáo để, đổi khẩu vị cho cả nhà

Monday, December 2, 2019

Lạ mắt với cách làm bánh gấc đậu xanh đẹp như trái hồng chín mọng

Gấc được xem là loại thực phẩm đặc biệt ở nước ta, chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và có rất nhiều vitamin. Gấc được dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon như: xôi gấc, bò kho gấc, xốt gấc…, ngoài ra, thực phẩm này còn được dùng để làm các loại bánh hấp dẫn. Cùng xem cách làm bánh gấc đậu xanh trong công thức dưới đây nhé!

Ở miền Nam, những trái gấc chín đỏ mọng hầu như có quanh năm, ở miền Bắc thì gấc thường chín vào cuối đông. Gấc không chỉ chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin tốt cho sức khỏe con người mà còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn thơm ngon với màu sắc bắt mắt. Gấc khi được bóp cùng với rượu trắng sẽ tạo nên màu đỏ tươi bắt mắt, có hương vị bùi bùi, béo béo đặc trưng.

bánh gấc đỏ hồng

Bánh gấc thơm ngon, đỏ hồng vô cùng bắt mắt (Ảnh: Internet)

Dùng gấc để nấu ăn hay làm bánh đều hợp vị, chính vì vậy mà gấc được rất nhiều người yêu thích. Muốn có loại gấc ngon, bạn nên chọn loại gấc có dáng tròn đều, gai nở, vỏ ngoài có màu đỏ cam, gấc cầm nặng tay, quả còn nguyên vẹn thì màu mới đẹp, gấc mới thơm. Bạn có muốn thử tài khéo tay với cách làm bánh gấc trong công thức dưới đây không? Cùng thử nghiệm với Kate nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Bột nếp: 400g
  • Đậu xanh đã cà vỏ: 200g
  • Đường: 200g
  • Dầu ăn: 50ml
  • Gấc chín: 1 quả
  • Vừng đen
  • Dừa nạo
  • Nước ấm: 100ml
  • Muối

Hướng dẫn công thức làm bánh gấc đậu xanh tại nhà

Làm nhân đậu xanh

Bạn nên mua loại đậu xanh đã cà vỏ để thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn khi làm bánh gấc nhé. Đậu cho vào ngâm với nước lạnh trong 3 tiếng cho nở mềm, sau đó cho vào xửng hấp chín. Phần đậu đã hấp chín bạn cho vào máy xay sinh tố xay cùng 1 ít nước và 100g đường cho thật nhuyễn.

hấp chín đậu xanh

Hấp chín đậu xay rồi xay nhuyễn

Sau khi đậu xanh đã nhuyễn, bạn cho vào âu cùng với bột nếp, 1 chút muối, đảo đều tay. Cho phần hỗn hợp này lên bếp cùng với 50ml dầu ăn rồi sên trên lửa nhỏ. Liên tục đảo đều tay cho đến khi đậu gần khô thì cho thêm dừa nạo vào đảo đều đến khi thấy nhân đậu khô ráo, quyện thành một khối và không còn dính chảo là được. Lúc này cho thêm chút vani hoặc dầu chuối để đậu có mùi thơm hấp dẫn hơn.

sên đậu xanh trên chảo

Cho đậu xanh xay nhuyễn vào chảo sên đến khi quyện lại thành khối

Tắt bếp, cho đậu xanh ra ngoài để nguội rồi chia nhỏ, nặn thành những viên đậu bằng quả mận bắc nhỏ là được.

Làm bột bánh gấc

Gấc sau khi bổ đôi ra, lấy ruột rồi lược bỏ hạt, đánh cùng một chút rượu. Cho phần bột nếp và đường vào âu, đổ từ từ nước ấm vào rồi trộn đều cho đến khi thấy thịt gấc thật dẻo và hòa quyện vào bột.

nhào bột bánh gấc

Nhào bột bánh gấc (Ảnh: Internet)

Phần bột sau khi nhào thì chia thành những phần bằng nhau, khoảng 13 – 14g. Sau khi chia bột xong, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín phần bột, cho bột nghỉ khoảng 15 – 20 phút.

Công đoạn vào bánh

Viên bột bánh gấc sau thời gian nghỉ bạn cán mỏng ra, cho nhân đậu xanh vào rồi khéo léo bọc kín nhân. Dùng tay vê tròn viên bánh, đặt bánh xuống giấy nến nhỏ hoặc lá chuối có phết chút dầu ăn chống dính.

Công đoạn hấp bánh

Cho nước vào nồi đun sôi, đặt xửng hấp bánh lên trên rồi xếp các viên bánh lại đem đi hấp khoảng 15 – 20 phút cho bánh chín. Bạn có thể rắc thêm mè rang lên mặt bánh trước hoặc khi hấp đều được, lưu ý dùng tay ấn lõm giữa bánh rồi rắc mè, dừa nạo lên trên nhé.

Đợi cho bánh nguội bạn gói bánh lại bằng màng bọc thực phẩm để bánh nhìn mọng, đẹp mắt hơn.

công đoạn hấp bánh gấc

Công đoạn hấp bánh gấc

Hoàn thành và thưởng thức

Bánh sau khi làm có thể thưởng thức ngay hoặc đợi nguội rồi thưởng thức. Xếp bánh lên đĩa trang trí cho đẹp mắt, thưởng thức cùng với nước uống yêu thích.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh gấc đậu xanh sau khi làm sẽ có hương vị thơm ngon, hình thức bắt mắt, bánh có màu đỏ tươi đẹp như trái cà chua hoặc hồng đỏ. Từng miếng bánh ngọt ngào, giàu vitamin và rất tốt cho mắt.

bánh gấc thơm ngon

Thành phẩm bánh gấc sau khi hoàn thành (Ảnh: Internet)

Những điều cần chú ý khi làm bánh gấc đậu xanh tại nhà

  • Trộn thêm 150g bột gạo tẻ vào bột bánh nếu bạn muốn ăn miếng bánh cứng và dai hơn, còn nếu muốn ăn bánh dẻo và mềm thì không cần thêm bột nhé.
  • Khi trộn bột bánh với gấc bạn có thể nhào bột với nguyên ruột gấc rồi loại bỏ hạt sau.
  • Gấc khi được trộn với rượu sẽ cho màu đỏ tươi đẹp mắt hơn, đồng thời hương vị bánh cũng thơm ngon.
  • Khi hấp bánh, bạn nên phủ một tấm khăn mỏng lên mặt để nước đọng lại trên nắp xửng không nhỏ xuống làm mất thẩm mỹ chiếc bánh. Ngoài ra, khi hấp thỉnh thoảng bạn hãy mở nắp vung lên lau nước đọng trên nắp nhé.

Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh gấc thơm ngon, chuẩn vị thật hấp dẫn. Hi vọng với hướng dẫn chi tiết từng bước làm này bạn sẽ hoàn thành món bánh ngon ngay từ lần đầu thử nghiệm. Đừng quên tham khảo thêm nhiều công thức làm bánh ngon khác để thay đổi khẩu vị cho cả nhà nhé. Chúc bạn thành công!


Nguồn bài viết tại Lạ mắt với cách làm bánh gấc đậu xanh đẹp như trái hồng chín mọng