• ...

    ...
  • ...

    ...

Wednesday, October 30, 2019

Hướng dẫn cách làm bánh chè lam ngon đúng chuẩn vị truyền thống

Chè làm là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Mặc dù gọi là chè nhưng đây thực chất là một món bánh dẻo thơm, hấp dẫn. Nếu bạn là tín đồ của bánh Việt thì đừng bỏ qua cách làm bánh chè lam của Dạy Làm Bánh Á Âu dưới đây nhé. Biết đâu món bánh đặc biệt này sẽ giúp bạn ghi điểm khéo léo trong mắt người thương đấy.

Ở mỗi vùng miền, công thức làm chè lam sẽ có sự khác nhau một chút, tuy nhiên nguyên liệu thì không thay đổi với đường mật, gừng tươi, mạch nha, lạc rang và bột gạo nếp. Những nguyên liệu thân quen, bình dị này khi kết hợp với nhau lại tạo nên một món bánh ngọt ngào khiến bao người phải mê mẩn. Để làm ra một chiếc bánh chè lam ngon đúng chuẩn, bạn cần phải thật kỹ càng trong từng công đoạn. Vì vậy bạn đừng bỏ qua công thức làm bánh chè lam chi tiết dưới đây nếu muốn chinh phục món bánh đặc biệt này tại nhà nhé!

bánh chè lam đặc sản

Bánh chè lam khiến bao thực khách không thể quên (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm bánh chè lam

  • Đường mật: 200 gram
  • Đường nâu: 50 gram
  • Mạch nha: 50 gram
  • Bột nếp: 200 gram
  • Gừng tươi: 1 củ
  • Lạc rang: 100 gram
  • Muối: 1/2 thìa cà phê

Hướng dẫn cách làm bánh chè lam truyền thống tại nhà

Sơ chế nguyên liệu

Bắc chảo lên bếp, đổ bột nếp vào rang trên lửa nhỏ. Khi nghe bột có mùi thơm thì tắt bếp, để nguội. Tiếp theo, cho bột vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn mịn.

Rang chín lạc, bỏ vỏ. Gừng mang đi rửa sạch rồi thái nhỏ.

Cách nấu nước đường

Trộn đường nâu, đường mật và mạch nha với nhau. Sau đó làm nóng chảo rồi đổ hỗn hợp đường vào vừa đun vừa khuấy thật nhanh tay để đường không bị cháy sém hoặc vón cục.

Cho lạc rang và gừng đã thái nhỏ vào chảo đường, trộn đều.

đun đường với mạch nha

Đun hỗn hợp nước đường với mạch nha

Cách làm hỗn hỗn bột bánh chè lam

Đợi cho đường tan hết rồi thêm 2/3 lượng bột nếp đã rang vào, hạ lửa xuống mức nhỏ nhất. Lưu ý: Dùng muỗng nhỏ múc từng thìa bột cho vào, khuấy liên tục để bột hòa quyện với đường.

Khi đã cho hết bột và thấy hỗn hợp dẻo và đặc quánh lại thì tắt bếp là xong phần bột trong công thức làm bánh chè lam.

Cách tạo hình bánh

Chuẩn bị một khay lớn, lau khô rồi rải một lớp bột nếp lên để làm áo cho bánh. Tranh thủ lúc bột còn nóng, nhanh tay đổ bột ra khay, dàn đều.

Tiếp theo, rắc một lớp bột nếp lên trên bánh, dùng cây cán bột lăn qua một lần để bánh dính chặt vào khuôn và có tạo hình bắt mắt hơn.

Đợi bánh chè lam nguội rồi cắt ra thành nhiều miếng hình chữ nhật với chiều dài khoảng 1.5cm, dày 0.5 cm.

cắt chè lam thành miếng

Cắt chè lam thành các miếng hình chữ nhật (Ảnh: Internet)

Thưởng thức

Bánh chè lam sau khi làm xong là có thể thưởng thức ngay. Bánh ngon nhất là khi được dùng với một tách trà nóng, nếu không thích trà bạn có thể thay thế bằng bất kỳ loại đồ uống nào mình yêu thích. Để bảo quả bánh, bạn dùng bọc nilon bọc từng chiếc bánh lại thật cẩn thận rồi cho vào tủ lạnh.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh chè lam ngon phải thật dẻo, có vị ngọt thanh của mật mía quyện cùng vị ấm nồng của gừng, ngọt nhưng không gắt, thơm thoang thoảng dịu nhẹ rất tuyệt.

chè lam dẻo ngọt

Thành phẩm dẻo ngọt, hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Bí quyết làm bánh chè lam thơm ngon đúng điệu

  • Không nên thay mật mía và mạch nha bằng đường trắng hoặc những nguyên liệu khác nếu như muốn giữ đúng hương vị truyền thống của món ăn.
  • Nên chọn gừng tươi, không quá già cũng không quá non để làm bánh. Gừng già quá sẽ làm ảnh hưởng đến hương thơm của bánh chè lam.
  • Cần khuấy liên tục và đều tay khi nấu bột nếp và đường để bột chín đều và không bị vón cục. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong công thức làm bánh chè lam vì bột càng hòa quyện bao nhiều thì thành phẩm sẽ dẻo và ngon bấy nhiêu.
  • Khi rang bột cần căn chỉnh nhiệt độ thích hợp để bột không bị cháy.

Ngày nay, khi đời sống đã phát triển hơn, máy móc hiện đại ra đời nhiều nhưng bánh chè làm vẫn chỉ được làm theo cách truyền thống để giữ đúng hương vị tinh tế, thơm ngon mà không món bánh nào có được. Hy vọng cách làm bánh chè làm ở trên không chỉ mang đến cho bạn một mẻ bánh ngon đúng chuẩn mà còn giúp bạn cảm nhận và hiểu thêm về ẩm thực dân tộc. Chúc các bạn thành công và đừng quên khoe thành phẩm của mình với mọi người nhé!

Xem thêm cách làm những món bánh Việt hấp dẫn khác: Cách làm bánh tôm Hồ Tây, cách làm bánh cam lúc lắc, cách làm bánh bột lọc gói lá…


Nguồn bài viết tại Hướng dẫn cách làm bánh chè lam ngon đúng chuẩn vị truyền thống

Monday, October 28, 2019

Cách làm bánh áp chao – Món bánh đặc sản của người Cao Bằng

Bánh áp chao là một trong những món bánh đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cao Bằng, món bánh này có hương vị thơm ngon, đặc biệt với nhân bánh từ thịt vịt, được chiên giòn rụm vô cùng hấp dẫn. Cùng xem cách làm bánh áp chao trong công thức dưới đây nhé, chắc chắn bạn sẽ làm được món ngon chiêu đãi cả nhà đấy.

Nức tiếng gần xa bởi hương vị thơm ngon không thể lẫn được với bất kỳ món bánh nào khác, bánh áp chao được người Cao Bằng nhắc đến với niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực dân dã của vùng đất này. Nếu như có dịp đến thăm Cao Bằng, ngoài những món ăn vịt quay 7 vị, lạp xưởng hun khói, xôi trám…, bạn đừng bao giờ quên thưởng thức một vài chiếc bánh áp chao vàng ruộm, béo bùi của nhân thịt quyện với gạo nếp dẻo quạnh vô cùng hấp dẫn.

bánh áp chao giòn rụm

Bánh áp chao thơm ngon, giòn rụm (Ảnh: Internet)

Người dân Cao Bằng còn gọi bánh áp chao là bánh vịt chao, bởi chiếc bánh ngoài vị thơm giòn bên ngoài còn có vị đậm đà, chút ngọt thịt của nhân vịt bên trong. Từng miếng bánh giòn rụm kết hợp với nước mắm chua cay tạo nên dư vị vô cùng đặc biệt của ẩm thực vùng Đông Bắc. Bạn có muốn thưởng thức món bánh này không? Cùng vào bếp với hướng dẫn cách làm bánh áp chao siêu ngon trong hướng dẫn của Kate nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 300g thịt vịt rút xương
  • 150g bột Taky
  • 350g bột Taky
  • Bột nêm, bột canh
  • Rau sống
  • Nước ấm
  • Dầu ăn

Hướng dẫn cách làm bánh áp chao ngon chuẩn

Sơ chế nguyên liệu

Thịt vịt sau khi làm sạch và khử mùi hôi thì lọc bỏ phần xương, rửa thật sạch, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn ướp với gia vị. Đảo đều cho gia vị ngấm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.

ướp thịt vịt làm bánh

Ướp thịt vịt làm bánh (Ảnh: Internet)

Công đoạn làm bột bánh

Cho bột gạo và bột nếp vào âu, thêm vào một chút bột nêm cho đậm vị rồi trộn đều với nhau. Hòa thêm một lượng nước ấm vừa đủ, trộn đều để tạo thành hỗn hợp bột đồng nhất, sánh mịn không có lợn cợn.

trộn bột làm bánh

Trộn bột làm bánh

Dùng tay nhào bột sau khi trộn, đến khi thấy bột mịn đều và không còn dính tay là được. Sau đó cho bột vào âu, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại để ủ bột trong khoảng 3 – 4 tiếng.

Chiên bánh

Khi thấy thịt vịt đã ngấm đều gia vị và phần bột đã ủ xong thì bạn tiến hành chiên bánh.

Để bánh áp chao đẹp mắt, bạn cho 1 – 2 muỗng bột vào khuôn hoặc vá kim loại để chiên bánh, đặt miếng thịt vịt vào giữa rồi cho thêm 1 – 2 muỗng bột lên trên cùng sao cho phần nhân thịt vịt nằm ở giữa bột.

chiên bánh rồi để ráo dầu

Chiên bánh rồi để trên rack cho ráo dầu (Ảnh: Internet)

Bắc chảo chống dính lên bếp, đổ dầu vào sao cho dầu ngập mặt bánh rồi cho khuôn bánh vào chiên khi dầu sôi già. Khi thấy lớp ngoài của bánh se lại thì lấy khuôn bánh ra, đợi mặt bánh chín vàng thì lật bánh lại cho bánh chín mặt còn lại.

Gắp bánh ra để trên rack cho ráo dầu hoặc bạn có thể cho bánh vào đĩa có lót giấy thấm dầu. Tiếp tục làm tương tự cho đến khi hết bột và nhân bánh.

Hoàn thành và thưởng thức

Gắp bánh ra đĩa, cắt bánh thành miếng nhỏ vừa ăn rồi thưởng thức cùng với rau sống và nước chấm chua cay sẽ tăng thêm hương vị thơm ngon.

bánh áp chao hấp dẫn

Bánh áp chao sau khi làm xong (Ảnh: Internet)

Yêu cầu thành phẩm

Bánh áp chao sau khi làm xong sẽ có màu vàng giòn đẹp mắt, vị thơm ngon của bánh bên ngoài và vị đậm đà, ngọt bùi của thịt vịt bên trong tạo nên hương vị hài hòa. Bánh áp chao kết hợp với nước mắm chua cay sẽ làm tăng thêm vị ngon hoàn hảo.

Những điều cần lưu ý khi làm bánh áp chao tại nhà

Để thực hiện tốt công thức làm bánh áp chao bạn cần phải lưu ý một số điều dưới đây:

  • Vịt có mùi hôi đặc trưng nên nếu không biết cách khử mùi hôi của vịt bạn sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của bánh. Có nhiều cách khử mùi thịt vịt như: sử dụng gừng và rượu trắng, giấm, chanh, cắt bỏ phần phao câu của vịt… Tùy theo ý muốn mà bạn có thể chọn cách khử mùi cho phù hợp.
  • Để dễ làm lông vịt hơn, bạn hãy cho thêm chút giấm hoặc rượu trắng lên mình vịt trước khi nhổ lông khoảng 10 phút, sau đó mới nhúng nước và thực hiện nhổ lông.
  • Tùy theo khẩu vị mà bạn gia giảm gia vị cho phù hợp trong khâu ướp nhân thịt vịt và trộn bột bánh.
  • Khi chiên bánh bạn nên để lửa nhỏ để bánh chín đều cả phần bột bánh bên ngoài và nhân bánh bên trong.

Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh áp chao thơm ngon và hấp dẫn giúp bạn dễ dàng thực hiện tại nhà, hi vọng với từng bước làm chi tiết này bạn sẽ làm thành công mẻ bánh ngay từ lần đầu tiên thử nghiệm. Ngoài ra, bạn có thể học thêm cách làm bánh áp chao khoai môn hay cách làm bánh áp chao nhân thịt lợn để thay đổi khẩu vị cho cả nhà đấy. Chúc bạn thành công và đừng quên theo dõi chuyên mục để có nhiều bí quyết làm bánh ngon nhé!


Nguồn bài viết tại Cách làm bánh áp chao – Món bánh đặc sản của người Cao Bằng

Tuesday, October 22, 2019

Cách làm bánh chuối chiên giòn rụm, đơn giản tại nhà cho bữa xế

Bánh chuối chiên là món ăn vặt mà bao đứa trẻ ao ước có được vào thời đất nước còn nhiều khó khổ. Đến tận bây giờ, hương vị thơm ngon của món bánh này vẫn khiến bao người thòm thèm khi nhớ đến. Hãy cùng vào bếp với cách làm bánh chuối chiên dưới đây để xem món bánh này có làm khó tài khéo léo của bạn không nhé!

Lớp vỏ giòn rụm còn bên trong lại ngọt ngào, thơm nức mùi chuối chín, có lẽ đây chính là điểm hấp dẫn nhất của bánh chuối chiên. Trẻ con thời xưa cứ chiều chiều là chỉ mong có được một chiếc bánh chuối nóng hổi lúc bụng đói là đã vui mừng cả ngày. Tuy bây giờ cuộc sống đã trở nên văn minh và hiện đại hơn nhưng món bánh chuối thơm lừng vẫn không bị lãng quên. Nhiều người còn tìm công thức làm bánh chuối chiên giòn để tự mình trổ tài và thưởng thức cùng những người thân yêu.

bánh chuối chiên ăn vặt

Bánh chuối chiên là món ăn vặt được nhiều người yêu thích (Ảnh: Internet)

Giá trị dinh dưỡng của trái chuối

Theo các nghiên cứu khoa học, chuối là một trong số ít những loại trái cây cung cấp nhiều loại dưỡng chát cần thiết cho cơ thể con người. Người thường xuyên ăn chuối sẽ giảm stress, hạn chế xúc động mạnh và giúp trí não hoạt động linh hoạt, nhạy bén hơn. Trong chuối còn chứa nhiều kali, có công dụng giúp thận khỏe mạnh nhờ vào việc ngăn chặn sự bài tiết của canxi trong nước tiểu. Ngoài ra, chuối còn được đánh giá là rất tốt cho những người bị bệnh huyết áp cao, cung cấp đường fructozo, glutozo cho cơ thể. Riêng đối với chị em phụ nữ thì cần ăn 2 trái chuối mỗi ngày khi đến kỳ kinh nguyệt để điều chỉnh tâm lí tốt hơn và giảm bực bội.

Đặc biệt, lượng kali và vitamin nhóm B mà chuối mang lại còn giúp sản sinh ra huyết tố cầu (hemoglobin). Các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyên những người bị thiếu máu nên ăn chuối mỗi ngày để khỏe mạnh hơn.

chuối giàu dinh dưỡng

Chuối là loại trái cây vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm bánh chuối chiên

  • 4 quả chuối chín
  • 60ml nước
  • 1 thìa café đường
  • 2 thìa café bột mì
  • 100 gram bột gạo
  • Dầu ăn

Hướng dẫn cách làm bánh chuối chiên giòn rụm tại nha

Cách pha bột

Dùng thìa trộn bột mì và nước trong âu lớn đến khi bột mịn và không còn vón cục nữa thì dừng lại.

Thêm muối và đường vào âu bột, khuấy đều. Nếu muốn bánh thơm hơn thì cho một chút vani vào bột ở công đoạn này. Sau đó, để yên khoảng 30 phút cho bột nghỉ.

Bóc vỏ chuối, bổ dọc rồi cắt từng trái chuối ra làm đôi, ép mỏng. Lưu ý: Không nên ép quá mỏng vì như vậy thành phẩm sẽ không ngon.

pha bột làm bánh chuối

Pha bột làm bánh chuối chiên giòn

Cách chiên bánh chuối

Lấy chảo sâu lòng hoặc chảo chống dính bắc lên bếp, đổ dầu vào chảo. Đợi dầu sôi rồi tiến hành nhúng chuối vào bột sao cho bột phủ đều lên chuối, cho vào chảo chiên.

Khi thấy bánh đã chín vàng giòn thì vớt ra, để ráo dầu và thưởng thức.

chiên chuối vàng ươm

Công đoạn chiên bánh chuối (Ảnh: Internet)

Yêu cầu thành phẩm

Bánh chuối chiên phải chín vàng, không bị cháy, lớp vỏ bên ngoài giòn rụm còn bên trong lại thơm ngọt vị chuối. Nếu không dùng hết, bạn có thể cho bánh vào hộp, đậy kín nắp lại để bánh giòn lâu hơn.

món chuối chiên hấp dẫn

Thành phẩm đẹp mắt, hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Một số lưu ý trong cách làm bánh chuối chiên

  • Chiên bánh trên lửa vừa, không để lửa quá lớn vì như vậy bánh sẽ không ngon.
  • Bánh cần được chiên ngập dầu cho chín đều và vàng giòn.
  • Nếu muốn bánh có lớp vỏ dày hơn thì bạn có thể chiên bánh 2 lần để vỏ bung dày, trở nên giòn và có màu bắt mắt.
  • Cách chọn chuối làm bánh: Chuối tây, chuối ngự và chuối sứ đều có thể dùng làm bánh chuối chiên được nhưng chuối sứ là ngon nhất. Bạn nên chọn những trái còn tươi, chín tới, không bị bầm dập và các cạnh của chuối đầy đặn. Nên mua chuối ở nhà vườn và chọn chuối chín cây, tránh mua chuối chín ép ví nó vừa không ngon vừa không an toàn cho sức khỏe.

Với cách làm bánh chuối chiên ở trên dù bạn không phải là người khéo tay vẫn có thể tự làm tại nhà. Món bánh này là lựa chọn tuyệt vời để bạn thưởng thức cùng người thân và bạn bè trong những ngày mưa lạnh. Sẽ thật tiếc nếu như bạn bỏ qua công thức ở trên vì biết đâu món bánh thơm ngon này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt người thương đấy. Chúc các bạn thành công nhé!


Nguồn bài viết tại Cách làm bánh chuối chiên giòn rụm, đơn giản tại nhà cho bữa xế

Friday, October 11, 2019

Học lỏm người bình định cách làm bánh ít nhân dừa chuẩn hương vị

Mỗi món ăn hay món bánh đều mang trong mình sự đặc trưng của văn hóa ẩm thực vùng miền, chẳng hạn như nhắc đến bánh nhãn người ta sẽ nhớ ngay đến Nam Định, nhắc bánh cốm nhớ đến Hà Nội vậy. Nếu bạn đã từng ghé thăm Bình Định, xem cách làm món bánh ít nhân dừa của người dân nơi đây thì chắc hẳn hương vị thơm ngon sẽ níu chân và  khiến bạn chỉ muốn ngay lập tức được nếm thử.

Có thể nói rằng, bánh ít nhân dừa không còn xa lạ đối với người Việt hay cả đối với những du khách nước ngoài bởi hương vị ngon chuẩn không thể lẫn với bất kỳ món bánh nào khác. Bánh ít Bình Định có chút hương thơm của bột nếp, chút béo bùi của nhân bánh đậu xanh, chút ngọt ngào của nhân dừa tươi dai giòn tạo nên vị ngon hài hòa khó có thể chối từ.

bánh ít hương vị thơm ngon

Bánh ít nổi tiếng với hương vị thơm ngon (Ảnh: Internet)

Ngày nay, bánh ít được biến tấu đi rất nhiều để đa dạng hương vị hơn, bạn có thể tìm thấy các loại bánh ít nhân ngọt, bánh ít nhân mặn, bánh ít nhân đậu – dừa, mứt bí – đậu xanh, đậu xanh – mỡ lợn… Dù là ở biến tấu nào thì món bánh ít vẫn luôn có hương vị thơm ngon, tỉ mỉ trong cách làm, tuy nhiên có lẽ với nhiều người thì cách làm bánh ít nhân dừa vẫn tuyệt vời hơn cả. Nếu bạn muốn thử tài khéo tay làm bánh chiêu đãi cả nhà thì hãy vào bếp với cách làm dưới đây nhé.

Nguyên liệu làm bánh

  • 500g bột nếp thơm
  • 300g dừa nạo sợi
  • 250g đường trắng
  • ½ muỗng muối
  • Lá chuối hoặc lá dong để gói
  • 1 ống vani
  • 500ml nước ấm
  • Một chút dầu ăn
  • 1 nắm đậu phộng rang giã vụn

Hướng dẫn cách làm bánh ít nhân dừa

Làm bột bánh

Phần bột nếp đã chuẩn bị bạn cho vào tô lớn, trộn đều cùng ½ muỗng muối nhỏ và 1 ống vani rồi vét bột ra thành âu tạo một lỗ trống ở giữa bột. Đổ từ từ lượng nước vào bột, trộn đều tay và nhào bột khoảng 10 phút cho thật kỹ.

khuấy đều bột làm vỏ bánh

Khuấy đều bột để làm vỏ bánh

Ủ bột bánh trong khoảng 2 tiếng để bột nở và có độ xốp khi chế biến.

Làm nhân bánh

Cho đường vào nồi nhỏ, hòa cùng với 150ml nước ấm rồi đun lên cho sôi, khuấy đều tay cho đường tan. Cho tiếp phần dừa nạo vào rồi khuấy lên cho đến khi thấy dừa dẻo quánh lại thì rắc đậu phộng lên mặt. Tắt bếp, đợi hỗn hợp nguội bớt rồi chia thành những viên nhỏ làm nhân bánh.

Công đoạn gói bánh

Chia nhỏ phần bột bánh thành từng viên nhỏ để làm vỏ bánh, vê tròn bột rồi dùng cây cán bột cán dẹt bột ra. Cho phần nhân dừa đã làm vào giữa bánh rồi dùng tay khéo léo viên tròn bột bánh lại sao cho kín hết nhân bánh. Xoa chút dầu lên tay lăn đều quanh viên bánh vừa làm.

gói bánh ít

Gói bánh ít (Ảnh: Internet)

Dùng lá chuối hoặc lá dong đã chuẩn bị gói bánh lại cho đẹp mắt, có thể dùng dây cột bánh lại nếu bạn sợ bánh bị bung ra. Hoặc khi gói bạn gấp mép lá bánh vào bên trong để giữ phần lá gói lại.

Công đoạn hấp bánh

Bánh ít sau khi gói bạn đem đi hấp chín bằng xửng trong khoảng 3 – 4 tiếng là bánh chín đều. Lưu ý: Nên để nồi nước sôi rồi bạn mới xếp bánh lên hấp nhé.

hấp bánh trong xửng

Cho bánh ít vào xửng hấp khoảng 3 – 4 tiếng (Ảnh: Internet)

Hoàn thành và thưởng thức

Sau khi bánh chín, bạn lấy bánh ra xếp lên dĩa, dùng kéo cắt đầu nhọn của bánh để lấy bánh ra khỏi lá hoặc bạn có thể bóc bánh ra rồi thưởng thức sẽ dễ dàng hơn.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh ít nhân dừa sau khi làm sẽ có phần vỏ bánh dẻo thơm, có độ dai hấp dẫn, nhân bánh hòa quyện hương vị ngọt ngào của đường, vị béo ngậy, chút dai sần sật của dừa và chút bùi bùi của đậu phộng rang vô cùng hợp vị.

thành phẩm bánh ít thơm ngon

Cùng thưởng thức thành phẩm thơm ngon thôi nào! (Ảnh: Internet)

Những điều cần lưu ý khi làm bánh ít nhân dừa tại nhà

Khi làm bánh ít nhân dừa tại nhà bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để món bánh đạt hương vị thơm ngon, chuẩn vị nhất.

  • Khi trộn bột bánh bạn nên đổ lượng nước từ từ để dễ dàng căn chỉnh độ đạt của bột. Nếu lỡ tay cho quá nhiều nước làm bột nhão bạn có thể cho thêm chút bột khô, hoặc nếu bột quá khô bạn cho thêm chút nước nhé.
  • Khi làm nhân bánh bạn lưu ý khuấy đường liên tục vì đường khi gặp nhiệt độ sôi sẽ rất dễ bị cháy khét.
  • Khi hấp bánh bạn tuyệt đối không nhồi nhét bánh bởi chúng sẽ bị biến dạng sau khi hấp xong. Canh chừng lượng nước, nếu nước hết bạn phải châm thêm nước để đảm bảo lượng hơi nước bốc lên đủ làm chín bánh và không để nước cạn sẽ làm cháy nồi.
  • Căn chỉnh lửa khi hấp bánh đều để bánh chín mà không bị quá khô hay quá nhão.

Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong công thức làm bánh ít nhân dừa thật thơm ngon và hấp dẫn tại nhà để chiêu đãi người thân, bạn bè rồi đấy. Hi vọng với hướng dẫn cách làm bánh ít nhân dừa trên đây bạn sẽ làm thành công món bánh ngon, đừng quên tham khảo thêm cách làm bánh ít nhân ngọt hay cách làm bánh ít nhân mặn để thay đổi khẩu vị nhé. Chúc bạn thành công!

Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!


Nguồn bài viết tại Học lỏm người bình định cách làm bánh ít nhân dừa chuẩn hương vị

Thursday, October 10, 2019

Cách làm bánh ướt chả lụa cho bữa sáng dinh dưỡng trong 20 phút

Chỉ mất 20 phút mỗi ngày bạn đã chuẩn bị cho cả nhà món ngon đầy dinh dưỡng với cách làm bánh ướt chả lụa dưới đây. Chẳng cần nguyên liệu đắt tiền hay công đoạn thực hiện phức tạp, bạn chắc chắn sẽ thành công ngay lần đầu thử nghiệm bởi hướng dẫn từng bước làm thật chi tiết đấy.

Bánh ướt hay bánh cuốn nóng không còn xa lạ đối với bữa ăn sáng của nhiều người. Bởi từng miếng bánh mỏng, trong suốt ăn kèm với chả lụa, giá đỗ, thêm chút rau thơm và chút đậm đà của nước chấm ăn kèm dễ dàng chinh phục vị giác người thưởng thức khi khởi đầu ngày mới.

bánh ướt chả lụa nhà làm

Bánh ướt chả lụa nhà làm thơm ngon, hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Cách làm bánh ướt chả lụa thật ra không quá khó, bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà với hướng dẫn chi tiết trong công thức dưới đây. Bạn có muốn thử tài khéo tay của mình để làm bánh chiêu đãi cả nhà không? Chần chừ gì nữa mà không dành ra 20 phút mỗi ngày để tự tay chuẩn bị bữa ăn chăm sóc từng thành viên? Chúng ta cùng vào bếp thôi nào!

Nguyên liệu làm bánh ướt chả lụa

  • 200g bột gạo
  • 75g tinh bột bắp
  • 1/3 muỗng muối
  • 620ml nước lạnh
  • 200g chả lụa
  • Rau ăn kèm: rau thơm, giá đỗ, dưa leo
  • 1 – 2 trái ớt
  • 1 củ tỏi
  • Hành lá

Pha nước mắm: 2 muỗng nước mắm, 8 muỗng nước lạnh, 2 muỗng đường và 1.5 muỗng nước cốt chanh.

Hướng dẫn cách làm bánh ướt chả lụa cho bữa sáng

Sơ chế các nguyên liệu

Rửa sạch dưa leo, bở bớt vỏ rồi thái thành sợi dài. Rau thơm nhặt bỏ lá úa, rửa sạch. Giá rửa sạch. Ớt bỏ hạt, băm nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.

Pha nước mắm ăn kèm

pha nước chấm ăn bánh

Pha nước chấm ăn kèm bánh (Ảnh: Internet)

Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị để làm nước mắm vào tô, khuấy đều cho đường tan hết rồi cho thêm tỏi băm, ớt băm, thêm hành lá vào rồi khuấy đều hỗn hợp để làm nước mắm chấm kèm.

Trụng rau ăn kèm

Bắc nồi nước lên bếp đun cho sôi rồi cho giá vào trụng sơ qua, vớt ra xả qua nước lạnh rồi để ráo nước.

Làm bột bánh

Cho bột gạo và tinh bột bắp đã chuẩn bị vào cùng một âu, cho thêm nước lạnh vào rồi khuấy đều hỗn hợp. Để yên cho bột lắng xuống trong khoảng 1 tiếng rồi bỏ đi phần nước trong sau khi bột đã lắng xuống dưới. Đổ thêm nước khác vào bột để lấy lượng nước bằng như cũ để bánh dẻo, trong và thơm hơn.

đợi bột bánh lắng xuống

Đợi bột bánh lắng xuống bạn bỏ đi phần nước trong (Ảnh: Internet)

Tráng bánh

Bắc nồi hấp hơi lên bếp, cho thêm nước rồi đợi cho nước sôi lên thì căng miếng vải trên miệng nồi rồi đậy nắp lại. Khi nước sôi già và vải đã nóng, bạn dùng cọ thoa thêm chút dầu ăn lên miếng vải để chống dính rồi múc một vá bột đổ lên mặt vải.

Dùng vá dàn nhẹ bột để tạo thành một lớp bánh mỏng, đậy nắp lại trong khoảng 1 – 2 phút để bánh chín. Lấy thanh tre mỏng nhúng vào nước rồi nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi miếng vải, để bánh lên khay hoặc đĩa. Làm tương tự như vậy cho đến khi hết phần bột bạn đã chuẩn bị.

tráng bánh ướt

Công đoạn tráng bánh vô cùng quan trọng (Ảnh: Internet)

Hoàn thành và thưởng thức

Bánh ướt sau khi tráng bạn có thể cuốn sơ thành những cuốn dài rồi cắt nhỏ ra cho vừa ăn, hoặc bạn cũng có thể để nguyên tùy ý. Chuẩn bị thêm chả lụa cắt miếng mỏng vừa ăn rồi xếp bánh ướt lên đĩa, cho thêm giá, dưa leo, hành phi và chén nước mắm ăn kèm rồi thưởng thức. Bánh ướt có thể dùng nóng hoặc nguội đều được.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh ướt sau khi làm sẽ có độ dai, mềm hấp dẫn. Từng miếng bánh đạt độ trong, mỏng vừa, bánh ăn kèm với chả lụa, nem chua và giá, dưa leo hợp vị. Nước chấm ăn kèm không quá ngọt hay quá đậm, có thể chan lên bánh hoặc chấm đều được.

bánh ướt chả lụa hấp dẫn

Cùng thưởng thức thành phẩm đầu tay nào! (Ảnh: Internet)

Những điều cần lưu ý khi làm bánh ướt chả lụa tại nhà

  • Để bánh ướt được mịn và bột không bị vón cục bạn hãy rây bột qua trước khi trộn cùng nước lạnh. Phần bột khi đã được rây mịn sẽ dễ dàng tan đều và không bị vón cục nhé.
  • Khi hấp bánh ướt bạn nên chú ý đến nhiệt độ sôi của nước để bánh chín đều. Lửa phải đều và hơi nóng của nước sôi phải đủ để bánh chín trong khoảng 1 – 2 phút. Bạn lưu ý đến lượng nước trong nồi hấp, không để quá nhiều nước hoặc quá ít nước nhé.
  • Nếu không có nồi hấp chuyên dụng bạn có thể dùng chảo chống dính để tráng bánh bằng cách thoa một lớp dầu ăn mỏng lên chảo, đợi cho nóng rồi đổ bột vào tráng thật mỏng đều rồi đậy nắp lại đợi bánh chín.

Trên đây là công thức làm bánh ướt chả lụa siêu ngon giúp bạn dễ dàng thực hiện tại nhà để thay đổi khẩu vị bữa sáng cho cả nhà. Cách làm bánh ướt không quá khó, bạn chỉ cần chuẩn bị vài nguyên liệu đơn giản và mất khoảng 20 phút mỗi sáng là cả nhà đã có món ngon đủ dinh dưỡng rồi. Còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp thực hành ngay nào? Cùng tham khảo thêm món bánh cuốn trứng để món ăn sáng thêm đa dạng nhé. Chúc bạn thành công với niềm đam mê làm bánh!

Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!


Nguồn bài viết tại Cách làm bánh ướt chả lụa cho bữa sáng dinh dưỡng trong 20 phút